
Nhà văn Văn Thành Lê
VĂN THÀNH LÊ VỚI BUỒN VUI THỜI MÌNH
Tôi tìm được bạn hầu hết bắt đầu từ cảm tính. Cũng có lẽ vì thế mà tôi ít bạn bè chăng. Mà cũng có thể vì – như cố thi sĩ Nguyễn Đình Chiến bạn tôi từng chê trách, rằng tôi sống riết róng quá, rằng cá tính của tôi quá mạnh nên vừa khó gần người và người cũng khó gần.
Một lần sang thăm Trịnh Sơn, Sơn đưa cho tôi tập sách có cái tựa đề liếc vào đã muốn đọc, là cuốn Không biết đâu mà lần. Sơn bảo, chú đọc Văn Thành Lê bao giờ chưa. Lại thế nữa. Tôi bảo tôi từng đọc Văn Thành Lê khi mua cuốn Trạm điện thoại ở thiên đường. Sơn bảo, Lê là bạn cháu, cháu sẽ giới thiệu Lê với chú. Tôi buồn cười, tao gặp “hắn” rồi, gặp bữa hắn sang Hội Văn nghệ gặp ông Mậu (Lê Huy Mậu) hỏi chuyện về Hội cụ thể như thế nào. Sơn hào hứng, chú sẽ thích Văn Thành Lê cho mà xem.
Mãi đến hôm ấy, trong cuộc chuyện với Sơn, tôi mới biết Văn Thành Lê là người xứ Thanh. Cái vùng đất ấy – xứ Thanh, với tôi đâu ít kỷ niệm. Tôi hút chết ở Đò Lèn thời bom đạn Mỹ. Tôi đã gặp lại Cấm Sơn viết Tới Cấm Sơn nhớ thi sĩ Thôi Hữu ngày cùng các anh Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai, Đức Ban, Nguyễn Trác làm cuộc trở lại Trường Sơn. Cái vùng đất rộng lớn linh thiêng, chịu đựng mà bền gan trải bao cuộc chiến giữ nước đều được lịch sử lựa chọn làm điểm tựa làm bệ phóng. Ở thăm thẳm vùng đất thiêng rực rỡ Văn hóa Đa Bút, Văn hóa Đông Sơn, nơi sinh người anh hùng Lê Lợi nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối khởi cuộc trường chinh giành lại giang sơn từng bị đô hộ bị sỉ nhục gần ngàn năm Bắc thuộc để dân tộc mình thoát kiếp đồng hóa. Tôi yêu quý vùng đất xứ Thanh còn bởi những văn nhân, thi nhân như Hữu Loan, Nguyễn Duy, Trịnh Thanh Sơn, Đặng Ái, mà nét quyến rũ từ họ/ở họ không chỉ riêng những trang cảo thơm, còn ở cái tính cách sống yêu ghét rạch ròi phải trái tường minh cả trong chữ, trong đời.
Văn Thành Lê là người xứ Thanh, dẫu có ly quê vẫn nguyên chất xứ Thanh, cần nhẫn bền bỉ trước đèn, tự xẻ lối riêng trong trường văn trận chữ, nhịn nhường nhưng kiêu hãnh tự trọng tự tin, biết sử chữ và vui đùa với chữ, vui đùa cùng người giữa ngổn ngang tháng ngày bao nhiêu là xáo trộn.
Read the rest of this entry »